Đọc và viết tên người Việt trong tiếng nước ngoài Tên_người_Việt_Nam

Trong tiếng Anh và các ngôn ngữ sử dụng chữ Latinh

Hiện nay tên người Việt khi viết trong tiếng Anh thường theo quy luật bất thành văn là "bỏ dấu", do vậy các dấu thanh "sắc" "huyền" "hỏi" "ngã" "nặng" bị lược bỏ, tất cả trở thành thanh ngang, chữ Ă và Â trở thành A, chữ Đ trở thành D, chữ Ê trở thành E, chữ Ô và Ơ trở thành O, chữ Ư trở thành U. Với ngôn ngữ khác nếu có chữ và dấu tương ứng thì sẽ giữ lại, như trong tiếng Pháp có chữ Ê, Ô. Ví dụ như Hồ Chí Minh trong tiếng Anh được viết là Ho Chi Minh, trong tiếng Pháp được viết là Hô Chi Minh.

Tuy nhiên sự thiếu dấu dẫn đến việc người nước ngoài phát âm sai tên người Việt cũng như khó xác định chính xác người đó là ai. Ví dụ như khi chữ Đ trở thành D, một người có tên được viết là Dan hoặc Doan, chỉ nhìn sẽ không thể biết rõ tên của người đó trong tiếng Việt là Đan hay Dân, Doãn hay Đoàn, và chữ D đọc theo âm /z/ - "dờ" hay âm /d/ - "đờ". Do chữ D thường được đọc theo âm /d/ nhiều hơn, để chỉ ra âm /z/ thì trong văn viết một số người thay D bằng Z hoặc thêm chữ z sau D thành Dz, như Dân sẽ được viết thành Zan hoặc Dzan thay vì viết là Dan. Cũng tương tự như vậy, một số người chuyển cặp chữ GI thành chữ J, vì cặp chữ GI dễ bị đọc sang âm /gi/ - "ghi", ví dụ tên Giang viết thành Jang. Tại một cuộc hội nghị quốc tế, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng sử dụng biển tên không dấu cho tên của ông là "Nguyen Quoc Dzung".[31]

Cùng với đó là cách viết "tên trước họ sau" của phương Tây, dẫn đến họ và tên người Việt Nam cũng như người Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên bị đảo lộn khi viết và bị đọc không đúng thứ tự, đồng thời bị xác định sai phần họ và phần tên. Để tránh điều này thì ở các sự kiện như Olympic hay Asiad, Trung Quốc và Hàn Quốc đã quy định viết và hiển thị họ và tên ở trong tiếng Anh theo đúng thứ tự "họ trước tên sau" của truyền thống Á Đông, phần tên được viết dính liền hoặc có gạch nối để phân biệt với phần họ. Nhật Bản cũng quyết định tên người Nhật trong tiếng Anh sẽ theo như vậy bắt đầu từ năm 2020 với Olympic Tokyo. Còn Việt Nam hiện tại chưa có quy định nào về việc này. Như tại Olympic Rio 2016, trong khi tên các vận động viên người Trung Quốc và Hàn Quốc được truyền hình hiển thị đúng thứ tự "họ trước tên sau" và được phân định rõ phần "HỌ" và phần "Tên", tên của vận động viên Hoàng Xuân Vinh lại bị hiển thị ngược thành "Xuan Vinh HOANG" (thay vì là "HOANG Xuan Vinh"),[32] còn tên của vận động viên Nguyễn Thị Ánh Viên cũng bị hiển thị ngược và sai họ và tên thành "Vien NGUYEN THI ANH" (khi mà phải là "Thi Anh Vien NGUYEN" hoặc đúng thứ tự là "NGUYEN Thi Anh Vien").[33]

Cũng do việc không xác định được tên đệm thuộc phần họ hay phần tên và việc viết tên có nhiều dấu cách lẫn không có dấu nối, người Việt Nam khi làm thủ tục với tiếng Anh hay ngôn ngữ khác ở phương Tây, đã rất nhiều trường hợp xảy ra những rắc rối liên quan đến họ tên. Ví dụ giả định: một thiếu nữ tên Nguyễn Thị Quỳnh Anh đi du học phương Tây, cô viết tên mình là "Nguyen Thi Quynh Anh" (lưu ý là không phải đơn từ nào cũng được chia riêng các phần First name và Family name để điền). Người nước ngoài làm thủ tục hiểu cô viết kiểu thứ tự Á Đông, nhưng do không xác định được họ là "Nguyen", Nguyen Thi" hay "Nguyen Thi Quynh", phần tên là "Thi Quynh Anh", "Quynh Anh" hay "Anh", nên khi đảo ngược tên, cộng với việc phần họ được viết nổi bật hơn (in hoa, font chữ to hơn), có giấy tờ sẽ in tên cô là "Anh NGUYEN THI QUYNH", có giấy tờ sẽ in tên cô là "Thi Quynh Anh NGUYEN", có giấy tờ sẽ in tên cô là "Quynh Anh NGUYEN THI". Tệ hơn là nếu người nước ngoài đó lại hiểu nhầm "Thi Quynh" trong tên ban đầu "Nguyen Thi Quynh Anh" là middle name, có giấy tờ sẽ in tên cô là "Anh Thi Quynh Nguyen" (thứ tự family-middle-given name của tên người Việt sẽ bị đảo thành given-middle-family name, do đó  vì đứng giữa nên middle name không bị đảo), sau đó nếu giấy tờ đó làm cơ sở cho thủ tục khác, cô có thể bị nhầm họ là "Quynh Nguyen", phần tên là "Anh Thi", và khi đó tên sẽ trở thành "Anh Thi QUYNH NGUYEN". Hậu quả là tên trên các giấy tờ và bằng cấp sẽ khác nhau dù cùng là một người, dẫn đến sự khó khăn và phức tạp khi làm thủ tục quan trọng như xin Visa, làm bảo hiểm.

Mọi chuyện sẽ đơn giản hơn rất nhiều nếu ban đầu Nguyễn Thị Quỳnh Anh được viết là "Nguyen Thi-Quynh-Anh" hoặc "Nguyen-Thi Quynh-Anh" (có dấu nối cho các tiếng của phần tên, chữ "Thị" có thể đẩy sang phần họ), nếu bị đảo tên sẽ chỉ xảy ra "Thi-Quynh-Anh NGUYEN" hoặc "Quynh-Anh NGUYEN-THI". Tương tự như vậy với người có họ kép hay họ cặp bố-mẹ ở trước, ví dụ Âu Dương Lâm có thể viết thành "Au-Duong Lam" và nếu bị đảo tên sẽ là "Lam AU-DUONG" vẫn giữ đúng họ, hay Trần Nguyễn Huy Hoàng có thể viết thành "Tran-Nguyen Huy-Hoang" và nếu bị đảo tên sẽ là "Huy-Hoang TRAN-NGUYEN". Điều quan trọng ở đây là phần họ và phần tên được thể hiện rõ ràng, giúp cho cả người nước ngoài (và cả người Việt) biết chính xác về họ và tên của người đó nếu phải viết theo kiểu phương Tây. Giống như Alexander Mark David Oxlade-Chamberlain, phần họ là hai phần nhỏ được nối gạch ngang, giúp người đọc hiểu được họ của anh là cả cụm Oxlade-Chamberlain, không phải mỗi từ Chamberlain riêng. Hay như huấn luyện viên Park Hang-seo, tên của ông nhiều khi cũng được viết là Park Hangseo, nếu có bị đảo họ thì sẽ là Hang-seo PARK hoặc Hangseo PARK (vì nếu viết là Park Hang Seo thì tên ông có thể bị đảo thành Seo Hang PARK hoặc Seo PARK HANG).

Một câu chuyện gây tranh cãi trong năm 2020 về tên người Việt ở nước ngoài đã xảy ra.[34] Có một cô gái người Mỹ gốc Việt có tên là "Phuc Bui Diem Nguyen" trong tiếng Anh. Trong tiếng Việt, tên của cô có thể là "Nguyễn Bùi Diễm Phúc" (Họ kép bố mẹ: Nguyễn Bùi, tên: Diễm Phúc), tuy nhiên do đảo thứ tự họ tên, cũng như không xác định đúng phần họ và tên và không có gạch nối hay không được viết liền để chỉ ra sự liên kết giữa Nguyễn-Bùi hay Diễm-Phúc, tên của cô đã trở thành "Phuc Bui Diem Nguyen" trong tiếng Anh. Ban đầu, "Nguyễn Bùi Diễm Phúc" đã bị phân tách như sau: familiy name: "Nguyen", middle name: "Bui Diem", given name: "Phuc". Không có gạch nối hay không được viết liền, họ và tên đã bị xác địch sai. Tiếp đó, từ thứ tự family-middle-given name, người phương Tây đảo thành given-middle-family name, và như đã đề cập ở trước, "Bui Diem" bị cho là middle name nên không bị đảo, do đó "Nguyễn Bùi Diễm Phúc" đã trở thành "Phuc Bui Diem Nguyen", và cô thường được gọi ngắn là "Phuc Bui". Vị giáo sư tại trường đại học của cô đã yêu cầu cô "Anh hoá" (đúng hơn là lấy tên khác) vì cho rằng "Phuc Bui" khi nhìn và đọc sẽ dễ liên tưởng tới từ "fuckboy" - một từ bậy trong tiếng Anh. Tuy nhiên Phuc Bui không đồng ý và cho rằng ông đang xúc phạm mình. Cô nói với giáo sư rằng yêu cầu của ông "thể hiện sự phân biệt đối xử" và cô sẽ nộp đơn khiếu nại lên văn phòng trường nếu ông không gọi cô bằng tên thật - "Phuc Bui". Vị giáo sư sau đó đã bị đình chỉ dạy và phải xin lỗi, mặc dù mục đích của ông là giúp cô tránh bị gọi theo từ bậy. Còn với Phuc Bui, mặc dù lý luận của cô là không sai khi cô yêu quý tên mình và muốn người khác tôn trọng tên mình, nhưng cô lại sai ở việc không xác đinh được họ ("Nguyen Bui") và tên ("Diem Phuc") chính xác của mình và để tên của mình bị đảo một cách lộn xộn. Cái tên "Nguyễn Bùi Diễm Phúc" của cô đãng lẽ có thể được viết khi bị đảo là "Diem-Phuc Nguyen-Bui" và cô sẽ thường được gọi là "Diem Phuc", nhưng cô đã để tên mình thành "Phuc Bui Diem Nguyen" và để bị gọi là "Phuc Bui", và từ đó rắc rối không đáng có đã vô tình xảy ra.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Tên_người_Việt_Nam http://www.erct.com/4-ChiaSe/SuuTam/Tinh_danh-Ten_... http://www.nguoicham.com/blog/180/b%C3%A0n-v%E1%BB... http://www.orientalement.com/n-les-99-noms-d-allah... http://tiasang.viet4phuong.com/news?id=923 http://www.viettimesonline.com/news.aspx?newsid=63... http://chimviet.free.fr/vanhoc/chquynh/loixua1/loi... http://vnexpress.net/Vietnam/Xa-hoi/2004/03/3B9D0A... http://vnexpress.net/gl/ban-doc-viet/the-gioi/2010... http://www.dunglac.org/index.php?m=module2&v=detai... http://www.baodatviet.vn/phap-luat/200908/dat-ten-...